Kỹ năng nghề phiên dịch!

Đây là những trường hợp và cách xử lý mà Anh Duong Chinh Chuc (Phiên dịch viên tiếng Hàn lâu năm) chia sẽ.

1. Sếp nói liên tục 24 phút? Bạn dám ngắt lời sếp không?

Tùy bạn. Nếu Sếp nói chạm giới hạn của Bạn thì Bạn nên ngắt lời bởi nếu vượt giới hạn, Bạn sẽ quên luôn khúc đầu, hoặc nhớ lõm bõm dẫn đến dịch thiếu, sai. Tùy người mà giới hạn khác nhau, tức là dài ngắn khác nhau. Có người 1 phút, có người 5 phút, có người 15 hay 20 phút. Giới hạn ở đây tất nhiên là KHẢ NĂNG NHỚ.

Bảo đảm chất lượng buổi dịch là trách nhiệm của PD. Vì vậy, PD hoàn toàn được quyền ngắt để bảo đảm điều đó. Kể cả yêu cầu nhắc lại vì PD nghe chưa rõ (nhưng 1 lần thôi, chứ 2 trở lên là sẽ bị coi là kém và có thể bị yêu cầu đổi PD).

2.  Bạn xử lý thế nào với một bài nói 2000 từ.

Với một bài dịch 2000 từ: Tuyệt vời nhất là Bạn dịch tất 2000 từ ấy. Tuy nhiên, nếu bị gặp giới hạn về thời gian thì nên điều chỉnh ngắn lại.

Ở đây có 2 trường hợp:

- Nếu là cuộc gặp không ghi âm thì có rút thì cũng chỉ nên rút đi tối đa 30%. 70% còn lại là ý chính cần bảo toàn. Nếu rút nữa thì công sức 2000 từ kia trở nên vô nghĩa vì người nghe sẽ không hiểu hết. Trường hợp này không cần xin phép người nói, người nghe.

- Nếu là bài nói có ghi âm thì ta nên xin phép người nói, người nghe dịch ý chính. Lúc này, ta có thể rút 50%. Rút nữa thì nội dung bài sẽ bị vỡ. 50% là gọn đủ ở mức người nghe có thể hiểu và trao đổi lại.

3.  Hai bên cãi nhau với từ ngữ sắc nhọn chĩa vào nhau

- Trừ phi Bạn là người trong cuộc, đủ thẩm quyền để điều chỉnh thì Bạn nên điều chỉnh bớt đi, nhưng chỉ bớt tính sắc nhọn thôi. Giảm nhiều quá mất bản chất câu chuyện.

- Nếu Bạn được thuê dịch thì tốt nhất nên dịch trung thực. Bên nghe họ sẽ không bắt lỗi Bạn. Sắc nhọn là do họ mài, tức là họ chủ ý, ta không cần điều chỉnh.

* Bạn lưu ý, chỉ giữ nguyên sắc thái ngôn từ chứ không được giữ thái độ của người nói. Nếu người nói đỏ mặt, gay gắt, chỉ mặt người nghe quát "đồ tồi!" thì Bạn hãy dịch từ tốn "đồ tồi!" hoặc nhẹ hơn là "ông ấy nói ông là đồ tồi".

4. Họp buổi họp căng thẳng.

- Ai nói gì kệ họ, họ quát nhau kệ họ; mình chỉ dịch đúng câu, với thái đồ từ tốn, bình thường, không thể hiện căng thẳng là được.

5. Ngoại hình có là lợi thế?

Xấu đẹp do tự nhiên sinh ra, lịch sự hay lôi thôi lại do mình. Đã đi dịch thì nên mặc lịch sự. Bên A bên B có quần đùi áo ba lỗ thì mình vẫn mặc lịch sự.

6. Phiên dịch cứu thể diện đất nước (quốc thể)?

- 100% là có, nhất là PD trong các hoạt động của Nhà nước, dù ở cấp làm việc, hay cấp cao.

- PD có thể làm gì?

+ Trang phục chỉnh chu, đàng hoàng, tác phong chuyên nghiệp.

+ Dịch chuẩn xác

+ Nếu bên ta "lỡ lời", bị sai những thứ hiển nhiên, PD chữa cháy. Ví dụ, khi gặp Triều Tiên mà bên ta quên, gọi họ là Hàn Quốc, gọi là Ngài...thì ta phải chỉnh là Triều Tiên, đồng chí; hay bên ta nhầm, thay vì nói 1 tỷ Đồng lại nói 1 tỷ đô la Mỹ thì ta nên chủ động chỉnh lại.

+ Nếu bên ta nói gì phạm kị đối với bên nghe mà PD thấy là "lỡ" thì điều chỉnh giúp.

Nhiều lắm, nhưng phải nhấn rằng Phiên dịch là đỉnh cao nhất của người biết ngoại ngữ vì họ còn là sứ giả về văn hóa nữa.

 

Giới thiệu

LABORO JAPAN là một trang tìm kiếm việc làm ở Nhật dành cho người nước ngoài. Tại đây, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm công việc nhanh chóng và dễ dàng bằng tiếng Việt với số lượng lớn tin tuyển dụng. Ngoài ra, LABORO JAPAN còn là kênh cung cấp thông tin hữu ích cho người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.