VÌ SAO GIÁO VIÊN PHẢI LÀ NHỮNG NGƯỜI CẦN RA SỨC HỌC TẬP NHIỀU NHẤT?

Các quý thầy cô, anh chị đồng nghiệp thân thương!

Trong thời đại ngày nay, việc tiếp cận kiến thức đối với học sinh đã trở nên vô cùng dễ dàng. Anh chị nghĩ xem để nắm được kiến thức cơ bản của một bài, học sinh có nhất thiết phải lên lớp để nghe thầy cô giảng bài không?

Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG! Lý do như sau:

Thứ nhất. Học sinh hoàn toàn có thể ở nhà đọc sách, tìm ý và học thuộc.

Thứ hai. Học sinh có thể tự lên mạng tìm bài giảng có cả kênh chữ và kênh hình chất lượng cao, được đầu tư bài bản của nhiều giáo viên, trung tâm luyện thi... Mỗi bài đều có video, thậm chí là miễn phí, ở bất kì môn học nào.

Thứ 3. Vì đa số mỗi quyển sách đều có phần tóm tắt kiến thức ở cuối mỗi bài học. Học sinh chỉ cần học thuộc lòng là xong

Thứ 4. Với sự phổ biến của điện thoại thông minh, cả thế giới trong lòng bàn tay, những kiến thức trong bài đôi khi trở nên bình thường đối với học sinh, bài dạy của giáo viên trên lớp trở nên kém mới mẻ và hấp dẫn đối với học sinh.

Kiến thức trong sách là thứ mà trước đây khi chưa có internet, chưa có điện thoại thông minh, chưa có máy tính, học sinh cần phải tập trung trong bài dạy, ghi chép bài đầy đủ, phải lên lớp chuyên cần, phải đắm chìm vào mỗi bài học thì mới nắm được. Học sinh không chú ý, không ghi bài, không học bài,… là bị phạt với nhiều hình thức nặng nhẹ khác nhau. Dẫn đến vị thế của người thầy ở mức cao, nghề giáo được tôn vinh hơn bao giờ hết.

Xã hội ngày càng phát triển, càng nảy sinh nhiều thách thức và cám dỗ đối với lứa tuổi hồn nhiên. Đó là mạng xã hội – thứ dễ dàng đáp ứng được nhu cầu thể hiện cái tôi của con người. Đó là trò chơi điện tử, game mobile – thứ dễ dàng khỏa lấp những buồn chán, tẻ nhạt. Đó là những chương trình, video giải trí vô bổ, xàm xí – nhưng lại rất thú vị với đám trẻ - ngập tràn trên internet…. Tất cả đều là hấp dẫn hơn nhiều so với việc cắp cặp đến trường và ngồi vật vờ trong lớp 4-5 tiết học mỗi ngày.

Cho nên nếu người giáo viên không tiếp tục phát triển bản thân, không trau dồi, không tích lũy thêm những tri thức mới, kỹ năng mới, tâm thế mới, phù hợp với thời đại; nếu chúng ta cứ tiếp tục giậm chân tại chỗ trong việc lên lớp, mỗi bài dạy đi qua một cách đơn điệu và vô vị, thì giá trị mà chúng ta mang lại cho học sinh sẽ chỉ nằm gọn trong những trang sách.

Thứ mà học sinh thực sự cần, nhất là trong thời đại mới, không phải là những kiến thức trong sách vở nữa. Mà đó là những bài học về kỹ năng, thái độ và tư duy. Đó là những bài học về đạo đức, về giá trị sống, về tình yêu thiên nhiên và con người, về quản trị cảm xúc, về cách ứng xử trên mạng xã hội; về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng làm chủ bản thân và tự chịu trách nhiệm,… Giáo dục phải thổi hồn nhân cách cho trẻ, giúp các em được khám phá, bộc lộ và phát huy những tiềm năng sẵn có bên trong con người mình. Các em cần được chấp nhận, thấu hiểu, yêu thương, tôn trọng, truyền động lực và truyền cảm hứng. Các em cần được dẫn dắt để tự vượt qua những sai lầm, vấp ngã, khó khăn của những phút bồng bột tuổi thơ. Các em xứng đáng được học tập trong một môi trường giáo dục chan chứa tình người, tình đồng loại. Đó là sự đoàn kết, gắn bó, chia sẻ, yêu thương giữa người dạy với người học, giữa người học với nhau. Chỉ có như vậy giáo dục mới thực sự là giáo dục, mới phát huy đúng vai trò của mình. Đó là tạo ra bối cảnh, môi trường để các em được phát triển toàn diện cả về thân, tâm, trí; được vun bồi cả đạo đức, trí tuệ và nghị lực; trở thành những người công dân tốt, biết sống vì người khác, biết hi sinh và cống hiến cho xã hội, có lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc, biết phấn đấu cho những ước mơ và lý tưởng cao đẹp.

Bệnh thành tích cũng đã khiến cho nhiều em phải ngồi nhầm lớp. Đọc chưa thông, viết chưa thạo, đúng ra phải ở lại lớp 4, 5 mà rèn giũa thêm, thì bây giờ lại phải lên cấp hai. Sự tự ti trong các em vốn đã hình thành từ những năm tháng cấp một, lại càng nặng nề hơn. Các em dần dần thu mình lại, nhút nhát, không nói, không nhúc nhích trong giờ học, vì sợ sai, sợ bị phán xét, sợ bị chê bai.

Cái ăn cái mặc của em ở nhà còn chưa đủ, bố mẹ đi làm ăn xa, hoặc mồ côi bố, mồ côi mẹ, gia đình luẩn quẩn trong cảnh khốn khổ bao nhiêu năm rồi. Điều đó khiến các em nhìn lại mình, nhìn quanh bạn bè, lại càng thêm tự ti. Không có chỗ dựa quan trọng nhất là gia đình, chính là không có môi trường quan trọng nhất để phát triển nhân cách, đến tuổi dậy thì, những méo mó trong cách ứng xử của các em ngày càng rõ hơn.

Nhưng rốt cuộc thì các em là sản phẩm của người lớn, về phần cứng lẫn phần mềm, về tinh thần lẫn thể xác. Người lớn phải có cái nhìn đầy đủ và bao dung nhất, để tìm cách giúp đỡ các em. Bằng chính những sự hiểu biết đúng đắn của mình… Để làm được điều đó, chẳng còn cách nào khác, người lớn, mà ở đây là chúng ta, những người làm nghề giáo, phải phát triển bản thân, gia tăng giá trị của bản thân, tích lũy những kiến thức, kỹ năng cần thiết, mở rộng tầm nhìn, mở rộng tâm hồn, mở rộng trái tim, để có thể giúp được những cô cậu học trò đáng thương và đáng yêu của mình, bằng tất cả tấm lòng của một người thầy, cũng như là của những người làm cha làm mẹ vậy.

Bản thân mỗi con người được sinh ra đã mang trong mình hào quang của một viên kim cương, một con người anh hùng đầy tiềm năng, một hạt nhân sống tốt đẹp, sẵn sàng bừng nở để cống hiến hương sắc và hoa trái cho đời. Nhân tri sơ tính bổn thiện là thế.

Nhưng những tác động xấu từ môi trường xung quanh, ngày qua ngày, đã dần dần che mờ đi viên kim cương, dần vùi lấp đi người anh hùng trong mỗi đứa trẻ. Bao tiềm năng vô hạn sẵn có bị chôn sâu, ngày một sâu dần. Dẫn đến những cái xấu có cơ hội hình thành và bộc lộ lúc nào không hay.

Khi đó chỉ có duy nhất một thứ có thể chữa lành, có thể giúp gột bỏ những lớp vỏ xấu xí, những lớp bụi mờ đen tối, để viên kim cương được tỏa sáng, để hạt nhân sống tươi xanh đẹp đẽ được ươm mầm và trỗi dậy, đó chính là TÌNH YÊU THƯƠNG. Tình yêu thương có sức mạnh kì diệu, là thứ ánh sáng vô lượng mà thượng đế ban tặng cho con người, là khả năng tuyệt vời mà chỉ mỗi con người mới có được. Chỉ có tình yêu thương mới mang lại sự sống nhiệm màu, mới chữa lành được những tâm hồn và nhân cách bị tổn thương.

Yêu thương là bản năng của con người. Nhưng yêu thương đúng cách phải đến từ trí tuệ, từ sự hiểu biết đúng đắn. Và giáo viên chính là lực lượng đặc biệt nhất trong xã hội, khi là những người trực tiếp tác động lên nhân cách và tâm hồn của trẻ thơ qua những bài giảng. Để yêu thương đúng cách, để phát huy hết vai trò của những người làm giáo dục, giáo viên phải là những con người thật sự trí tuệ và sâu sắc. Muốn vậy GV phải học tập và trau dồi thật nhiều, để hiểu đời, hiểu người, hiểu về tâm sinh lý của học sinh, nắm bắt được những kiến thức và kỹ năng của thời đại, từ đó mới hiểu được học sinh cần gì, để biết cách nâng đỡ và thúc đẩy các em, giúp các em đi đúng con đường thiên phú của mình.

(Lời tâm tư của một GV dạy trường làng với 70% HS là dân tộc thiểu số).

About LABORO JAPAN

LABORO JAPAN is a portal site for foreigners looking for jobs in Japan. Find the best job for you in Japan's biggest job pool. LABORO JAPAN can be used in 3 languages - Japanese, English, Vietnamese, so you can look for jobs in Japan in your native language. Moreover, LABORO JAPAN also as a place to put a lot of useful informations about Japan's life. Now, You can find a job as soon as possible on LABORO JAPAN!