Cuộc hội ngộ bất ngờ
Xin được không kể lý do vì sao tôi lại ở đây – Seiko Grand hotel trong một đêm rất đáng nhớ. Nơi mà tôi cho rằng: rất biết cách làm trái tim du khách thổn thức. Nơi mà chúng tôi được thết đãi là một phòng ăn rộng thênh thang và rất riêng tư. Đây là một dạng “Fukuju-Tei”, phòng ăn riêng cho từng nhóm khách khác nhau. Tại đây có tất cả 10 phòng ăn riêng tư như vậy. Nền phòng ăn được trải thảm cói mịn ấm áp. Giữa phòng có kê một dãy bàn ăn dài đủ để mười người chúng tôi ngồi đối diện nhau. Thức ăn đã được bày sẵn trên bàn. Tôi thấy, dường như bao nhiêu sản vật tươi ngon nhất của Oga đã được bày hết ra bàn.
Đêm nay có cả bia và rượu sake nóng. Chúng tôi cùng nhau thưởng thức buổi tối ấm áp của mình. Oga, xa thật là xa. Bình yên và lạ. Tôi như đi lạc giữa mênh mông ngày tháng, không có thực tại nào hiện hữu. Xa lạ tất cả. Không ai rõ tôi ra sao, sống như thế nào. Chúng tôi đang ngồi đây, thức ăn và rượu nóng. Chúng tôi nói về việc tận hưởng những ngày còn lại. Ở đây, buổi tối mà tôi không cần phải nghĩ ngày mai mình sẽ làm gì.
Giữa bữa ăn, trong khi chúng tôi còn đang say sưa trò chuyện thì người phục vụ thông báo rằng, chúng tôi sẽ có cơ hội chứng kiến cách chế biến một món ăn vô cùng đặc biệt ngay tại phòng ăn này. Lúc này đây tôi mới để ý thấy ở một góc phòng ăn, người ta đặt sẵn một chiếc bàn và một số dụng cụ làm bếp cơ bản.
Khi người đầu bếp đi vào, chúng tôi dừng bữa, cùng nhau tiến tới chỗ đặt chiếc bàn chế biến món ăn. Trước khi bắt tay nấu nướng, người đầu bếp mỉm cười nhìn khắp chúng tôi một lượt rồi giới thiệu: “Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau thưởng thức món Ishiyaki, một món ăn vô cùng nổi tiếng tại Oga”.
Và không để chúng tôi đợi lâu, người đầu bếp mở nắp chiếc chậu gỗ trên bàn rồi nói: “Các bạn nhìn đây, chỉ là một nồi nước có cá tươi bên trong thôi phải không? Ồ, hãy kiên nhẫn chờ đợi vài phút thôi nhé, điều đặc biệt sẽ xảy ra nhanh thôi”.
Nói rồi người đầu bếp cầm một cái kẹp sắt, cúi xuống chiếc lò đặt cạnh chân mình. Chúng tôi nhìn thấy trong lò có chứa rất nhiều đá đã được nung đỏ. Mỗi hòn đá to bằng nắm tay. Lúc này tôi cứ nghĩ, chắc là ông ấy sẽ nấu súp cá trên đá chứ gì! Nhưng không, vị đầu bếp bắt đầu gắp từng hòn đá đỏ rực cho vào chậu nước có chứa sẵn cá. Hòn đá nung đỏ bị cho vào nước liên tục phát ra những tiếng “xèo xèo”. Những bong bóng khí không ngừng nổi lên. Khi hòn đá thứ ba được cho vào chậu, nước bắt đầu sôi ùng ục, bọt nổi lên trắng xóa. Người đầu bếp tiếp tục cho thêm đá nung vào và luôn tay hớt bọt ra ngoài. Khi cá đã chín, ông ấy vớt ra một cái bát rồi cho tương đậu nành vào. Sau khi cho lượng tương vừa đủ, ông cho thêm boa rô cắt lát vào. Lúc này, ông tiếp tục gắp đá nung bỏ vào và khéo léo áp những lát boa rô vào đá nóng. Bằng cách này, những lát boa rô nhanh chóng chín mềm. Sau thao tác này, ông ngước nhìn chúng tôi và nói: “Đã sẵn sàng phục vụ mọi người rồi!”.
Chúng tôi mỗi người được ông múc cho một chén nhỏ nước súp. Phải nói, đó là một chén súp có hương vị đặc biệt nhất mà tôi được thưởng thức từ trước tới giờ. Ishiyaki là một món ăn địa phương nổi tiếng. Nó ra đời từ trong chính cuộc sống hàng ngày của ngư dân Oga. Đá cũng là một loại đá đặc biệt được tìm thấy trên bãi biển địa phương. Những hòn đá này được nung với lửa than cho đến khi nó chuyển sang màu đỏ rực. Đá đã nung sẽ được cho vào cái xô gỗ có chứa cá tươi. Chính việc cá bị làm chín đột ngột, bị nung tức thì đã làm cho cá có độ săn, cứng và tạo ra một hương vị vô cùng đặc biệt.
Tôi vừa thưởng thức chén súp nóng, vừa thầm thán phục tài nghệ ẩm thực của người dân nơi đây. Hơn nữa, còn là sự thán phục cái cách người dân Nhật làm ra một sản phẩm du lịch đầy cuốn hút như thế này.
Để nhớ để thương
Chúng tôi đã thưởng thức món Ishiyaki từ cá tráp (red seabream), loại cá vương giả nhất Nhật Bản. Cá tráp có ở những vùng biển từ phía bắc của Hokkaido tới phía nam Okinawa. Cá tráp dù đánh bắt ở đâu cũng ngon nhưng những loại “Tai” được đánh bắt ngoài khơi thành phố biển Akashi, được coi là ngon bậc nhất. Người ta cho rằng, do đây là vùng biển có nhiều tôm và mực, những loại thức ăn mà “Tai” yêu thích, đã khiến thịt chúng ngon hơn. Một lý do khác là chính dòng chảy mạnh của vùng biển này đã khiến “Tai” phải bơi nhanh hơn, điều này giúp thịt chúng rất săn chắc.
Trong tiếng Nhật, mede-tai có nghĩa đen là “ngưỡng mộ” hoặc “tốt lành” và “ăn mừng”. Người Nhật đặc biệt thích dùng các loại thực phẩm có tên gọi cụ thể vào những dịp tốt lành, với mong muốn mang lại sự thịnh vượng, may mắn. Vì thế, trong dịp năm mới và các sự kiện vui như đám cưới hoặc chào mừng một em bé ra đời, người ta thường thưởng thức món “Tai” nướng muối.
Vừa được thưởng thức súp ngon, vừa được biết câu chuyện thú vị về cá tráp đỏ, khiến chúng tôi vô cùng thích thú. Sau khi thưởng thức súp cá, chúng tôi trở lại bàn tiếp tục với bữa tối còn dang dở của mình. Mặt tôi bắt đầu nóng bừng vì rượu. Ishiyaki – thưởng thức và nhớ thương.