Ông Toshio Takata đang sống trong khu nhà dành cho tù nhân sắp được thả Hiroshima. Người đàn ông 69 tuổi tuổi này tâm sự rằng ông phạm pháp để được vào tù sống.
“Tôi đã đến tuổi nghỉ hưu mà trong túi chẳng còn một xu. Tôi nảy ra ý định, có lẽ nếu vào tù, tôi sẽ được ăn uống và ngủ nghỉ miễn phí”, ông Takata nói với BBC. “Thế nên, tôi ăn trộm một chiếc xe đạp và lái thẳng đến đồn cảnh sát rồi báo với một viên cảnh sát ở đó rằng: ‘Hãy xem tôi đã ăn cắp cái này'”. Kế hoạch thành công. Dù chưa từng có tiền án tiền sự, ông Takata vẫn phải lĩnh án một năm tù do luật pháp Nhật Bản coi trộm cắp là một tội nghiêm trọng.
Dáng người gày gò nhỏ nhắn, người đàn ông hay cười khúc khích này trông không có nét nào giống một người kẻ phạm tội “ngựa quen đường cũ”, và càng không phải là người có thể dùng dao đe dọa phụ nữ. Nhưng sau khi thi hành xong án tù đầu tiên, đó lại chính xác là những gì ông Takata làm.
“Tôi đến công viên và đe dọa phụ nữ. Tôi không có ý định hãm hại họ đâu. Tôi chỉ giơ con dao ra và chờ một người nào đó sẽ gọi điện báo cảnh sát”, ông kể.
Hơn một nửa thời gian 8 năm qua, ông Takata sống ở trong tù. “Vấn đề không phải là tôi có thích ở trong tù hay không mà tôi có thể ở đó miễn phí”, ông nói. “Đến khi được thả tự do, tôi cũng tiết kiệm được một chút tiền”. Trong lúc ngồi tù, nhà nước vẫn đều đặn chi trả lương hưu cho ông.
Ông Takata đại diện cho một xu hướng phạm tội đang gia tăng nhanh ở Nhật Bản. Ngày càng nhiều người trên 65 tuổi phạm pháp. Năm 1997, nhóm tội phạm cao tuổi chỉ chiếm tỉ lệ một trong 20 vụ kết án nhưng 20 năm sau đó, con số này tăng lên một trong 5 vụ. Những người già cao tuổi thường tái phạm. Trong số 2.500 người trên 65 tuổi bị kết án, hơn 1/3 từng có 5 tiền án.
Keibo là một cụ bà 70 tuổi nhỏ nhắn ăn mặc gọn gàng. Bà cũng cho biết nghèo đói đã đẩy bà vào con đường phạm tội. “Tôi không thể chung sống với chồng. Tôi không có chốn dung thân. Vì vậy tôi chỉ có một sự lựa chọn duy nhất: ăn cắp”, bà Keibo tâm sự. “Tôi biết thậm chí nhiều bà lão ngoài 80 tuổi không thể đi lại vững vàng cũng phạm tội. Lý do là họ không có đồ ăn và tiền”.
Đa số người cao tuổi phạm tội bị bắt khi ăn trộm trong cửa hàng. Họ thường lấy đồ ăn trị giá ít hơn 3.000 yên Nhật (26 USD) tại những nơi mà họ hay ghé thăm.
Theo một nghiên cứu xuất bản năm 2016, nếu người về hưu không có nguồn thu nhập nào khác ngoài lương hưu, họ có thể rơi vào tình cảnh nợ nần vì chi phí thuê nhà, mua đồ ăn và chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản quá đắt đỏ. Đó là chưa tính đến các khoản tiền mua quần áo và chạy máy sưởi.
Trước kia, người già ở Nhật Bản thường sống với con cái. Tuy nhiên, ngày này thanh niên đổ xô lên các thành phố lớn để làm việc và bỏ lại cha mẹ già sống một mình ở quê nhà.
“Người già về hưu không muốn trở thành gánh nặng cho các con và nếu cảm thấy lương hưu không đủ sống thì nhiều khả năng họ sẽ chọn cách vào tù”, nhà nghiên cứu Michael Newman làm việc ở Tokyo nhận xét. Tái phạm là cách duy nhất để quay trở lại nhà tù, nơi họ không phải lo cơm ba bữa và không phải trả tiền điện nước.
Giám đốc trung tâm “With Hiroshima”, chuyên giúp người phạm tội tái hòa nhập xã hội, cho biết những thay đổi trong xã hội là nguyên nhân dẫn đến làn sóng tội phạm cao tuổi và đây là vấn đề tâm lý, không phải do khó khăn tài chính.
“Mối quan hệ giữa con người với nhau đã thay đổi. Người ta trở nên lạc lõng. Họ không tìm được chỗ đứng trong xã hội này. Và họ không chịu nổi sự cô đơn”, ông Kanichi Yamada, 85 tuổi, nhận xét. “Trong số những người già phạm tội, nhiều người gặp phải cú sốc lớn khi ở độ tuổi trung niên. Họ bị tác động mạnh. Họ mất vợ hoặc con và không thể đối mặt với sự thật đó… Mấy ai phạm tội nếu có người thân chăm sóc và hỗ trợ”.
Theo giám đốc trung tâm Yamada, phạm tội vì đói nghèo chỉ là cái cớ. Vấn đề cốt lõi là những người già như ông Takata và bà Keibo cảm thấy cô đơn. Có thể lý do khiến họ tái phạm là khi vào tù, họ sẽ có bạn tù.
Đúng là ông Takata hoàn toàn cô đơn. Sau khi cha mẹ qua đời, ông mất liên lạc với hai người anh trai. Ông cũng không qua lại với hai người vợ cũ cùng ba đứa con. “Nếu tôi có vợ và các con giúp đỡ, tôi sẽ không phạm tội như thế này”, ông Takata khẳng định.
Nhằm đối phó với xu hướng này, chính phủ Nhật Bản phải đầu tư mở rộng diện tích nhà tù, thuê quản giáo nữ cũng như chi nhiều tiền hơn cho dịch vụ chăm sóc y tế trong tù.
Tại nhà tù ở Fuchu, ngoại ô Tokyo, gần 1/3 phạm nhân hiện là người già trên 60. “Chúng tôi phải cải thiện cơ sở vật chất ở đây”, Masatsugu Yazawa, trưởng quản giáo phụ trách hoạt động giáo dục trong tù, cho biết. “Chúng tôi phải lắp đặt thêm tay vịn và bệ xí loại đặc biệt”
Ngoài ra, nhà tù tổ chức các lớp học đặc biệt dành riêng cho người cao tuổi. Lớp học thường bắt đầu bằng màn hát karaoke một bài hát quen thuộc về ý nghĩa của cuộc đời. “Chúng tôi cho họ hát bài này để giúp họ thấy cuộc đời thực diễn ra ở ngoài song sắt nhà tù và rằng hạnh phúc là ở ngoài kia”, quản giáo Masatsugu Yazawa, giải thích. “Nhưng họ vẫn nghĩ cuộc sống trong tù tốt hơn và nhiều người tiếp tục quay lại đây”.
Nhà nghiên cứu Michael Newman lập luận rằng xã hội có cách chăm sóc người già tốt hơn và rẻ hơn so với việc đẩy họ vào đường cùng, phải chọn nhà tù làm chốn nương thân. Theo Newman, quá trình tố tụng và giam giữ tiêu tốn ngân sách.
“Chúng tôi thực ra đã thử chạy mô hình xây dựng một khu làng dưỡng lão, cho phép người cao tuổi chỉ phải trả một nửa tháng lương để đổi lấy thức ăn, chỗ ở và dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Họ còn có thể hát karaoke, chơi đánh bóng bi với những người già khác và họ có tự do. Mô hình này rẻ hơn rất nhiều so với chi phí chính phủ phải trả hiện nay để đối phó với xu hướng tội phạm cao tuổi gia tăng”, Newman đề xuất.
Nhà nghiên cứu Newman cũng chỉ ra rằng khung hình phạt cho tội trộm cắp vặt ở Nhật Bản không hợp lý. “Để trừng phạt một người trộm một chiếc bánh sandwich 200 yên, chính phủ sẽ phải trả 8,4 triệu yên để tống người đó vào ngồi tù hai năm”, chuyên gia này nhận xét. Ví dụ mà nhà nghiên cứu này đưa ra không chỉ đúng về mặt lý thuyết. Thực tế, một người đàn ông đã phải lĩnh án hai năm tù vì ăn cắp một lọ hạt tiêu trị giá 3 USD.
Khi được hỏi về tương lai, ông Toshio Takata khẳng định không muốn quay lại nhà tù. “Tôi không muốn làm thế này lần nữa. Tôi sắp bước sang tuổi 70 rồi. Nếu phạm tội tiếp, lúc vào tù tôi sẽ già và yếu. Tôi không tái phạm đâu”.