Nghệ thuật chơi chữ “siêu đẳng” của người Nhật trong mâm cỗ năm mới, hay chẳng kém gì “cầu vừa đủ xài” của Việt Nam
Từ lâu, người Nhật đã bỏ lễ Tết truyền thống và thường mừng năm mới vào ngày 1/1 theo lịch phương Tây nên khi bạn đang đọc bài viết này cũng là lúc người người nhà nhà ở Nhật đang lục tục chuẩn bị mâm cỗ cho bữa cơm Tất Niên đấy. Bữa cơm này có ý nghĩa cực kì quan trọng với người Nhật vì đây là đánh dấu một sự khởi đầu mới, ảnh hưởng rất nhiều đến trạng thái tinh thần của người dân xứ Hoa Anh Đào trong cả năm sắp tới.
Bữa cơm này tên là Osechi Ryori, có nguồn gốc bắt đầu từ thời Heian và được người Nhật giữ gìn đến tận bây giờ. Về hình thức, người Nhật xem trọng Osechi Ryori đến mức có riêng hộp tráp sơn dầu để đựng thức ăn, và ba chiếc hộp này chỉ được dùng riêng cho dịp năm mới, sau khi dùng xong thì cẩn thận lau chùi rồi cất đi để đến năm sau dùng lại.
Một mâm cỗ Nhật gồm nhiều món, mỗi món đại diện cho một lời chúc phúc về nhiều phương diện khác nhau. Nếu người Việt mình có mâm ngũ quả “cầu dừa đủ xoài” nghe na ná “cầu vừa đủ xài” thì người Nhật cũng không kém trong phương diện chơi chữ đâu. Cụ thể thì cùng xem list sau đây nhé!
Đây là món trứng cuộn với chả cá, có phiên âm tiếng Hán là “y đạt quyển”, chữ date hay “y” trong datemaki đồng âm với “y” trong “y phục”, nói lên ước muốn có quần áo lộng lẫy, ấm êm. Ngoài ra, món trứng cuộn này gợi nhớ đến những tập thơ, tập tranh và chữ được cuộn lại, nên cũng là một lời chúc cho đường học vấn rộng mở.