Năm chuẩn bị hết, Tết lại sắp đến và câu hỏi gây ám ảnh nhất thời đại “Bao giờ lấy chồng” lại trỗi dậy mạnh mẽ.
Ở Việt Nam, văn hóa “chồng, con” dường như đã ăn sâu vào suy nghĩ khiến phụ nữ quên mất rằng ngày nay họ còn đam mê, còn khát vọng. Xã hội ngày càng cởi mở, thế mà những câu hỏi như “Bao giờ lấy chồng”, “Sắp cưới chưa”, “Định bao giờ cho hàng xóm ăn cỗ”… vẫn là “mũi tên” nhắm thẳng vào tim các cô nàng đến tuổi dựng vợ gả chồng mà bắn. Người ngoài cuộc thì buông câu hỏi nhẹ như không, nhưng đâu biết rằng người nhận được nó có trăm ngàn lo nghĩ.
Đối với chị em phụ nữ ra trường có công ăn việc làm ổn định hay sắp bước qua tuổi 30, câu hỏi “Bao giờ lấy chồng” không khác gì ác mộng. Nhất là những cô nàng đã 25, 26 nhưng chưa chịu dẫn bạn trai về nhà “ra mắt” bố mẹ, họ hàng. Mỗi lần nghe câu hỏi này, đa phần họ đều khó chịu nhưng không thể bộc lộ ra ngoài.
Có một điều rất lạ ở văn hóa của người Việt mà đôi khi tôi không thể hiểu nổi. Khi họ gặp một cô gái bước qua tuổi đôi mươi thì câu đầu tiên họ thường hỏi là: “Yêu ai chưa, tính khi nào lấy chồng?”, “Tuổi này mà chưa cưới là ế rồi đó” hay “Cưới nhanh rồi cho bố mẹ mày một thằng cu trước khi ông bà già rồi mà còn chưa thấy cháu”. Thế đấy! Và tôi luôn tự hỏi, thay vì những câu hỏi ấy, sao họ không hỏi các câu như” lớn rồi, có định hướng gì cho cuộc sống chưa?”, “Tính khi nào mới đủ tiền chinh phục Châu Âu”, hay “Dự định mấy năm sẽ xây được nhà, sẽ tậu được ô tô hay sẽ sắm được phi cơ?”.
Hay thật! Cái văn hóa “chồng, con” dường như đã ăn sâu vào suy nghĩ khiến họ quên mất rằng phụ nữ ngày nay còn đam mê, còn khát vọng, còn mơ ước và còn cả thế giới chờ đợi để tung cánh. “Chồng, con” – một hiện thực nhạt nhẽo đến nhàm chán. Tôi nghe đâu đó người ta nói rằng “gia đình mà có con gái không lấy được chồng là gia đình vô phúc”. Ôi cái định nghĩa về “phúc” của dân gian thật đáng sợ.
Có những người sống ở vùng quê vì sợ làng xóm xì xào về cô con gái mãi chưa có chỗ gả, vì sợ ba mẹ bẽ mặt với họ hàng mà họ đã vội vàng gật đầu với một kẻ chưa kịp yêu. Có những cô gái vì không chịu nổi áp lực của thiên hạ, sự hối thúc của cha mẹ cũng vội vã tìm đến các mối tình chớp nhoáng để kịp cưới cho thế gian hài lòng.
Thực tế thì hiện nay, có rất nhiều cô gái đi theo xu hướng cưới – muộn để dành thời gian cho đam mê, cho sự nghiệp, cho ước mơ và cho việc tận hưởng cuộc sống độc – thân đầy tự do và thoải mái. Việc đó có gì sai? Họ phát triển sự nghiệp để gặt hái hoa thơm nơi địa vị xã hội. Họ đi theo đam mê để thỏa mãn những ước muốn của cá nhân. Họ kiếm tiền, họ thành đạt và họ khám phá những mảnh đất mà từ lâu họ mơ ước.